Diwali, còn được gọi là Deepavali, là một trong những lễ hội quan trọng trong năm không chỉ của Ấn Độ mà còn ở Nepal, Malaysia, Singapore và các quốc gia khác có cộng đồng người Nam Á.

 


Diwali (hay Deepwali) trong tiếng Sanskirt có nghĩa là “một dãy đèn được thắp sáng”. Tên gọi này bắt nguồn từ việc vào những ngày lễ, nhà cửa, cửa hàng và cả nơi công cộng đều được thắp sáng bằng đèn dầu.

 


Diwali là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm và là nét văn hóa đặc sắc của người Ấn Độ, được tổ chức vào tháng Ashwin (tháng 10) hay tháng Kartika (tháng 11) theo lịch của người Hindu, tùy chu kì của mặt trăng. Lễ hội này xuất phát từ tín ngưỡng huyền thoại về các vị thần của người theo đạo Hindu. Đó là huyền thoại về chiến thắng của thần Krishna trước chúa quỷ Narakasura, đã trở thành biểu tượng cho sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Hay huyền thoại về Lakshmi, nữ thần của sự giàu có và thịnh vượng và thần Ganesha tượng trưng cho trí tuệ, hạnh phúc.

 

 

Ở một số nơi, Diwali còn được tổ chức để tưởng nhớ đứa vua Rama, biểu tượng của đức hạnh và lòng chung thủy trong sử thi Ấn Độ. Dẫu có nhiều cách lý giải về nguồn gốc khác nhau, nhưng đều có chung một ý nghĩa, tượng trưng cho những khởi đầu mới và chiến thắng của cái tốt trước cái xấu, của ánh sáng trước bóng tối. Không chỉ thế, Diwali còn là dịp để người dân trên miền đất Ấn cảm nhận không khí lễ hội ấm áp, rũ bỏ hiềm khích, cùng nhau hòa vào niềm vui và cầu nguyện thần linh ban phát những điều tốt đẹp.

 

 

Lễ hội Diwali cũng có thể gọi là Tết Diwali bởi nó không khác nhiều so với tết cổ truyền của người Việt Nam đón chào năm mới. Trước khi đón tết, người dân Ấn Độ theo đạo Hindu, Jain và Sikh thường cố gắng làm nốt mọi việc của năm cũ, trả mọi nợ nần để có một năm mới thật suôn sẻ, thuận lợi và tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa, mua quà lưu niệm tặng người thân. Trên sân thượng, xung quanh tường nhà, lan can, cổng chính, vườn cây… được khoác lên màu áo sơn mới và điểm tô những chùm đèn nhiều màu sắc để bầu trời đêm rực lên ánh sáng lung linh huyền ảo. Những hiên nhà, con phố được rửa sạch và trang hoàng bởi các thảm hình vẽ nghệ thuật rangoli sử dụng các vật liệu bột gạo hoặc cát nhuộm màu cùng với bột mì và cánh hoa từ những bàn tay khéo léo, tài hoa để dâng lên thần thánh với mong ước hạnh phúc và may mắn.

 

 

Trong các công viên lớn của thành phố, những hình nộm quỷ giữ Ravana, làm bằng khung tre, bọc giấy màu sặc sỡ, vẽ phẩm màu trông dữ dằn, cao từ 15-20 mét, được dựng lên cùng những thanh niên trai tráng trong trang phục cổ xưa, tay lăm lăm cung tên nhảy múa, diễn lại tích thần Rama của người Hindu chiến thắng quỷ dữ Ravana.

 

Le-hoi-anh-sang-Diwali

 

Theo quan niệm truyền thống, vào đêm Diwali - đêm được coi là Trăng tối nhất trong năm, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng và để như vậy suốt đêm nhằm đón nữ Thần Laskhmi. Nhưng ngày nay, những chiếc đèn dầu bằng đất sét được thay thế những chuỗi dây đèn màu nhấp nháy bằng điện, treo khắp xung quanh nhà. Lễ hội Diwali không thể thiếu nến và pháo hoa để xua đuổi linh hồn của quỷ và đón chào Thần Ram trở về sau nhiều năm bị lưu đày.

 


Lễ hội Diwali kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày sẽ có một tên gọi và ý nghĩa khác nhau với rất nhiều sự kiện được diễn ra.

 

Ngày đầu tiên của lễ hội được gọi là ngày Dhanatrayodashi (hoặc Dhan Teras), là ngày của sự thịnh vượng và giàu có. Đây là ngày 13 kỳ trăng khuyết của tháng Kartika. Vào ngày này, người dân thường đến các khu chợ để mua một vài món nữ trang may mắn nào đó, bởi họ tin rằng việc này sẽ đem lại thịnh vượng và tài lộc cho suốt một năm tới. Những chiếc đèn dầu làm bằng đất được thắp suốt ngày đêm. Vào buổi tối trong suốt dịp tết, lúc những chiếc diyas (đèn và nến) được thắp sáng với mục đích xua đuổi bóng tối – nơi quỷ dữ trú ẩn, cũng là lúc các gia đình Ấn làm lễ cúng Lakshmi. Người ta ca tụng nữ thần Lakshmi bằng bài ca “Bhajan” và dâng lên ngài món bánh ngọt“Navedya”. Ở phía nam Ấn Độ, người ta tin hoá thân của nữ thân Lakshmi là những chú bò nên chúng cũng được trang điểm đẹp đẽ và thờ phụng trong dịp lễ hội này.

 

Ngày thứ hai - Naraka Chaturdashi hay Choti Diwali, là ngày con quỷ Narakasura bị giết chết, mang ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối. Theo truyền thống, người ta sẽ tắm vào sáng sớm, lúc mặt trời chưa ló dạng vào ngày Choti Diwali. Trong khi trẻ nhỏ tắm, họ sẽ đốt pháo hoa và pháo nổ để tạo bầu không khí náo nhiệt, vui vẻ. Tắm xong, mọi người thưởng thức món mỳ hấp với đường và sữa hoặc ăn món bánh gạo với sữa đông. Trong ngày tết thứ hai này, người dân Ấn thắp đèn và cầu nguyện cả ngày. Họ tin rằng ánh sáng từ những chiếc đèn diyas không chỉ xua tan bóng tối của sự ngu dốt mà còn là điềm báo về một ngày mai đầy tươi sáng và niềm vui.

 

Ngày thứ ba – Diwal, ngày của nữ thần Lakshmi Puja - vị thần của những khởi đầu tốt lành. Đây là ngày quan trọng và may mắn nhất trong dịp lễ hội. Vào đêm Diwali, người Ấn Độ giáo sẽ mặc những bộ quần áo mới nhất hay tốt nhất. Những người phụ nữ sẽ mang trên mình trang phục sarry cổ truyền được thiết kế cầu kỳ tỉ mỉ, tôn lên vẻ đẹp bí ẩn và nét đẹp quyến rũ vốn có. Họ thắp sáng diyas cả bên trong và bên ngoài nhà để thể hiện cho chính nghĩa, tham gia puja gia đình (cầu nguyện). Sau lễ cầu nguyện puja, người dân đua nhau bắn pháo hoa trong khoảng hai giờ, khoảng từ 10 giờ đến 12 giờ đêm và cả miền đất Ấn bừng sáng trong ánh sáng lung linh tuyệt đẹp. Sau đó, họ cùng nhau tham gia bữa tiệc gia đình và trao quà tặng cho nhau. Trong ngày Diwali, mọi người còn cùng nhau vui vẻ đánh bạc vì theo truyền thuyết Shiva-Parvati, bất cứ ai đánh bài vào ngày Diwali sẽ đều phát đạt cả năm.

 

Ngày thứ tư của lễ hội là Govardhan Puja (còn gọi là Annakut), là ngày Krishna đánh bại Indra. Trong ngày này, tượng các vị thần ở các đền thờ được tắm bằng sữa và khoác lên mình những trang phục thật đẹp, đeo những trang sức quý giá. Sau khi cúng xong, người ta dâng các loại bánh ngọt và kẹo lên cho các thần.

 

Còn các món đồ ăn được trang trí đẹp mắt và xếp thành từng ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho ngọn núi mà Krishma đã phải vượt qua. Cũng vào ngày này trong lễ hội Diwali ở Ấn Độ, nhiều gia đình còn tổ chức lễ Gudi Padwa tượng trưng cho tình cảm vợ chồng mặn nồng, sâu sắc. Người vợ bôi lên trán chấm đỏ tilak, đeo hoa và cầu thọ cho chồng, trong khi người chồng sẽ tặng cho vợ những món quà.

 

Ngày thứ năm gọi là Bhaiya Duj trong tiếng Hindi hoặc Bhau Beej trong cộng đồng nói tiếng Marathi, là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và tình cảm cho nhau.

 

Trong ánh sáng rực rỡ, lung linh huyền ảo, không khí Lễ hội Diwali thêm nhộn nhịp với điệu múa truyền thống Ấn Độ mê hoặc lòng người, cùng bài hát nổi tiếng Bollywood và cả những tiếc mục xiếc đặc sắc. Vui hơn trong không khí nhộn nhịp là khi mọi người được thưởng thức các món đặc sản truyền thống của người Ấn Độ như cà ri dê hay cánh gà tẩm ướp. Ngoài ra, còn có các gian hàng vui chơi cho trẻ em như lâu đài nhảy múa, tranh cát tô tượng…

 

Đọc thêm: 
============================================================
“Sứ mệnh của YFU là nâng cao sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, sự tôn trọng lẫn nhau và trách nhiệm đối với xã hội thông qua những trao đổi mang tính giáo dục dành cho thanh thiếu niên, gia đình và cộng đồng”
 
Youth For Understanding Vietnam (YFU Vietnam)
Hotline: 090 307 9523
yfu.org – yfuvietnam.org – traodoivanhoa.yfuvietnam.org

Tin tức khác

Ngữ pháp phức tạp và nhiều quy tắc biến đổi của tiếng Đức
Tiếng Đức dễ học hay khó học?
Các chứng chỉ tiếng Anh thông dụng khi du học Mỹ
Du học Mỹ từ bậc Trung học - Nên hay không nên?
Một năm gap year trao đổi văn hóa Bỉ của bạn Khang
Một số cách đơn giản để kết bạn mới nhanh chóng khi ở nước ngoài
Chấp nhận sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng
Kỹ năng giải quyết những xung đột hiệu quả
Một số cách để hóa giải hiểu lầm trong một mối quan hệ
Chương trình Gap Year du học trao đổi văn hóa Bỉ

Địa chỉ: Số 22 Hoàng Diệu, P. 13, Q. 4, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 090 307 9523

Hotline: 090 370 9523

Email: info@yfuvietnam.org

Copyright © 2021 Youth For Understanding Vietnam