Ngày Quốc tế Gia đình là ngày gì?
Nhận thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của gia đình tới mọi người dân trên toàn thế giới, vào ngày 15/5 hằng năm chính là ngày Quốc tế Gia đình - International Day of Families, viết tắt là IDF, ngày này được Liên Hiệp Quốc chọn trong Nghị quyết số 47/237.
Mục đích ra đời của Ngày Quốc tế Gia đình chính là để nâng cao nhận thức của nhân loại về các vấn đề liên quan đến gia đình và các tiến trình xã hội, kinh tế và nhân khẩu học ảnh hưởng đến từng gia đình. Vì mỗi gia đình chính là tế bào của xã hội, Ngày Quốc tế Gia đình tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của mỗi gia đình trong việc góp phần xây dựng cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội.
Ý nghĩa ngày Quốc tế Gia đình
Ngày này thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia từ tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm tìm cách ứng phó với những vấn đề đang được đặt ra đối với mỗi gia đình trong từng xã hội ngày nay. Đây đồng thời là một cơ hội để làm nổi bật tinh thần đại đoàn kết các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng xã hội tốt hơn. Chính bởi vì vai trò to lớn của các gia đình trong quá trình phát triển xã hội, đặc biệt trong các vấn đề giảm đói nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, duy trì hòa bình và an ninh.
Ý nghĩa của ngày Quốc tế Gia đình 15/5 không chỉ dành để tôn vinh những giá trị tốt đẹp, mà còn là việc gìn giữ những giá trị văn hoá và truyền thống, từ đó hướng đến sự phát triển bền vững xã hội trong thời đại đổi mới. Đây cũng là dịp quan trọng mà các thành viên trong gia đình dành thêm nhiều thời gian để kết nối, chia sẻ những vấn đề đang gặp phải và thấu hiểu nhau hơn.
Nguồn gốc ngày Quốc tế Gia đình
Năm 1983, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 28, thông qua một nghị quyết (1984/23) về vai trò của gia đình trong quá trình phát triển, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và công chúng hiểu rõ hơn về những vấn đề và nhu cầu của gia đình cũng như các phương tiện hiệu quả để đối phó với những vấn đề đó”.
Ngày 29/5/1985, trong nghị quyết 1985/29, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét trong chương trình nghị sự một mục mang tên “Các gia đình trong quá trình phát triển” nhằm bắt đầu một quá trình phát triển nhận thức toàn cầu về những vấn đề liên quan tới gia đình.
Sau đó, ngày 7/12/1987, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 30 và cũng của chính Ủy ban này tại phiên họp chính thức đầu tiên năm 1987 (nghị quyết 1987/42 ngày 28/5/1987), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 42/134, trong đó kêu gọi “Tất cả các quốc gia đưa ra ý kiến về việc kỷ niệm một năm quốc tế về gia đình”.
Đại hội đồng cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc “công bố, tại phiên họp thứ 43, một bản báo cáo chi tiết, xây dựng dựa trên các đánh giá và đề xuất của các chính phủ thành viên, liên quan đến việc kỷ niệm một năm quốc tế gia đình và các phương tiện khác để cải thiện tình hình, vật chất của gia đình và nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các nỗ lực chung của thế giới nhằm ủng hộ các tiến bộ và sự phát triển trong lĩnh vực xã hội”.
Năm 1993, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã đưa ra nghị quyết A/RES/47/237, phản ánh tầm quan trọng của gia đình với mọi người dân trên toàn thế giới.
Ngày Quốc tế Gia đình cũng là dịp để nâng cao nhận thức về những vấn đề liên quan đến gia đình, nâng cao kiến thức của mọi người về tầm ảnh hưởng của tiến trình kinh tế, xã hội, nhân khẩu đến mỗi gia đình.
Kể từ đó, ngày Quốc tế Gia đình đã tạo nguồn cảm hứng cho hàng loạt các sự kiện nâng cao nhận thức về gia đình ở các quốc gia. Ở nhiều nước, ngày này là dịp để nhấn mạnh các lĩnh vực ưu tiên khác nhau và những giá trị quan trọng khác nhau đối với mỗi gia đình. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế gia đình bao gồm: Tổ chức hội nghị; hội thảo, các chương trình trên vô tuyến, đài, các sự kiện văn hóa với chủ đề gia đình…
============================================================