Khủng hoảng tâm lý khi du học là hệ quả của các tình huống, sự kiện diễn ra trái với mong muốn và vượt quá ngưỡng chịu đựng tâm lý của một người. Không chỉ một mà đó có thể là một chuỗi sự kiện diễn ra liên tục hoặc đã kéo dài khiến người đó hoảng loạn, lo lắng không yên. Khi tinh thần đã không ổn định, một sự kiện nhỏ không mong muốn cũng khiến họ dễ suy sụp hơn.
Trạng thái khủng hoảng tâm lý khi đi du học có thể chỉ là một giai đoạn ngắn hạn nhưng nếu không biết cách xử lý hoàn toàn có thể kéo dài và gây ra rất nhiều ảnh hưởng khác về tâm trí. Trầm cảm khi đi du học hay các rối loạn tâm thần khác hoàn toàn có thể chính là hậu quả của cơn khủng hoảng kéo dài.
Một số yếu tố khác có thể dễ dàng gây khủng hoảng tâm lý khi du học
Phân biệt chủng tộc:
Một số đất nước vẫn có nạn phân biệt màu da, phân biệt người Châu Á hay coi thường những du học sinh, người nước ngoài đến sinh sống, làm việc. Nhiều du học sinh khi đi làm thêm bị bắt nạt, đi học bị bạn bè cô lập, không thể tìm kiếm việc làm, thậm chí là bị bạo hành vì lý do này.
Thiếu kỹ năng xã hội:
Những du học sinh thiếu các kỹ năng độc lập, không biết cách chăm sóc bản thân, ứng biến chậm chạp, được bao bọc quá nhiều khi ở nhà cũng rất dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý khi một mình bước đến một đất nước xa lạ hoàn toàn.
Khó khăn trong học tập:
Ngành học quá khó, không phù hợp với nhu cầu hay sở thích của bản thân, việc học chiếm quá nhiều thời gian cũng là nguyên nhân khiến nhiều du học sinh rơi vào hoang mang, căng thẳng, lo lắng không ngừng.
Mâu thuẫn với bạn bè:
Một tình trạng mà các du học sinh cũng thường gặp phải khi đi du học chính là mâu thuẫn với bạn cùng phòng. Chẳng hạn bạn cùng phòng quá bừa bãi, quá tự tiện, không tôn trọng người khác hay thậm chí có các tính xấu như ăn cắp vặt cũng khiến rất nhiều du học sinh bị khủng hoảng.
Tính cách:
Khủng hoảng tâm lý khi du học dễ xảy ra hơn với những người có tính cách hướng nội, nhút nhát, nhạy cảm, hay suy nghĩ nhiều quá mức.
Các vấn đề tình cảm
Chia tay với người yêu ở quê do yêu xa, bị phản bội hay các vấn đề tình cảm cũng khiến các du học sinh dễ khủng hoảng. Đặc biệt với những người đang cảm thấy cô đơn, cần có sự quan tâm như các du học sinh, họ đang rất yếu đuối và nhạy cảm nên khi chuyện tình cảm không như ý sẽ rất dễ trở nên tiêu cực, bức bối.
Lối sống thiếu lành mạnh:
Thể chất và tinh thần có mối liên hệ chặt chẽ nên nếu một người duy trì thói quen sống kém khoa học lâu ngày sẽ dẫn đến tinh thần sa sút, dễ rơi vào mệt mỏi, căng thẳng, bốc đồng hơn. Các du học sinh thường ăn uống qua loa, ngủ không đủ, làm việc quá sức, lạm dụng các cà phê hay các chất kích thích nên dễ rơi vào khủng hoảng hơn.