Dù sao đi nữa, dù bạn đến từ vùng miền nào của đất nước, trước rất nhiều nguồn thông tin trái chiều, có thể hơi bối rối nhưng có lẽ bạn cũng không quan tâm quá nhiều bởi mục đích chính bạn muốn có mặt ở nước ngoài là cải thiện chính mình, thay đổi những thói quen không phù hợp và học hỏi những văn hóa mới cho một tương lai tốt đẹp hơn dù bạn sẽ trở về quê hương hay ở lại định cư lâu dài.
1. Văn hóa xếp hàng: Ở nơi công cộng, bạn sẽ tự thấy mình không còn bon chen, xô lấn mà lặng lẽ xếp hàng theo thứ tự “first come first served” (ai đến trước được phục vụ trước) nếu không muốn nhận được những ánh nhìn thiếu thiện cảm của người xung quanh hoặc bị từ chối phục vụ.
2. Ứng xử lịch sự: Bạn thậm chí sẽ tập xếp hàng khi trò chuyện, nghĩa là bạn sẽ không chen ngang, cướp lời người đang nói nếu không muốn bị cho là người thiếu lịch sự và nếu còn muốn người nói tiếp tục cuộc trò chuyện. Bạn cũng dần từ bỏ những lời sáo rỗng, huyênh hoang, khoác lác phóng đại hay mỉa mai, châm chọc ngoại hình hay khuyết điểm người khác nếu không muốn bị cho là một người vô duyên.
3. Khiêm tốn: Bạn sẽ trở nên kiên nhẫn và khiêm tốn hơn vì dù ở quê nhà bạn nổi bật và thành công đến đâu, biết nhiều kỹ năng hay giỏi ngoại ngữ đến đâu, khi ở Âu Mỹ bạn sẽ thấy mình như chìm vào vùng đất của những cá nhân tài giỏi và xuất sắc khác.
Bạn cũng dần từ bỏ quyết tâm kiếm tiền và làm giàu về tài sản mà thay vào đó bạn muốn làm giàu vốn ngoại ngữ, văn hóa, kỹ năng và kiến thức để hòa nhập vào cuộc sống bản địa hoặc để du lịch đến những miền đất mới, nơi có thời tiết, phong cảnh, ngôn ngữ và nền văn hóa bạn yêu thích.
4. Tham gia giao thông: Bạn sẽ không quên thắt dây an toàn khi di chuyển bằng ô tô, không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, đỗ xe đúng nơi quy định, không bấm còi inh ỏi, không lái xe sau khi uống chất có cồn nếu không muốn bị cảnh sát giao thông phạt nặng từ tiền lương hoặc tước bằng lái trong thời gian dài.
5. Bảo vệ môi trường: Bạn phân loại rác, phân loại giấy, phân loại thủy tinh, kim loại và luôn đổ rác đúng nơi quy định. Tủ quần áo phụ kiện của bạn dần dần sẽ ít màu sắc đi, các chi tiết cũng bớt rườm rà mà thay vào đó là hàng thiết kế đơn giản, thuận tiện có nhãn hiệu, nguồn gốc; giảm quần áo mùa hè, tăng quần áo mùa đông vì mùa hè ở nhiều vùng Âu Mỹ quá ngắn và lắm lúc cũng lạnh như mùa đông của Miền Bắc Việt Nam.
6. Phong cách ăn uống: Bạn dần sẽ không ăn cơm bằng đũa mà dần chuyển sang ăn thìa dao dĩa và đĩa. Bạn sẽ thay đổi một số thành phần trong ăn uống như: dùng nhiều các sản phẩm từ sữa hơn như sữa tươi, sữa chua, bơ, phó mát; uống ít nước đá lạnh mà tăng trà và cà phê. Những món như xôi, cơm rang, phở bò, phở gà bạn không còn dùng cho bữa sáng nữa, thay vào đó bữa sáng của bạn có thể sẽ là bánh mì, cháo yến mạch, trứng, ham, …
7. Giải trí: Bạn nghe nhiều hơn nhạc rock/rap, cổ điển, xem series hoặc phim Âu Mỹ. Khi xem phim bạn không còn có đơn giản một mục đích là giải trí mà sẽ kết hợp học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa, ý nghĩa thông điệp của phim.
8. Sở thích: Nếu bạn là nữ, bạn sẽ chăm chỉ học nấu ăn, làm bánh làm thủ công để tiết kiệm tiền và để giải trí khi mùa đông dài, lạnh và tối kéo đến. Nếu bạn là nam, bạn sẽ học chơi thể thao, đi làm thêm để độc lập về tài chính để không bị lép vế ở mảnh đất siêu nữ quyền như Âu Mỹ.
9. Phong cách ăn mặc: Nếu là nữ bạn có thể vẫn sẽ dùng kem dưỡng ẩm, kem ủ tóc do thời tiết khô nhưng bạn dần dần không còn dùng kem làm trắng da, giày cao gót hay mặc áo độn ngực nữa vì đó là không phải là xu hướng thời thượng ở Châu Âu, thay vào đó bạn sẽ để mình là chính mình.
10. Tư tưởng cởi mở: Nếu bạn là nam, bạn tự nhiên sẽ dần dần bớt gia trưởng ích kỷ hơn; bạn tự nhiên tôn trọng phụ nữ hơn cũng như là cách bạn tôn trọng chính mình; bạn cũng sẽ không quá căng thẳng phải cố làm trụ cột cho gia đình tương lai của bạn vì bạn hiểu phụ nữ ở đây luôn sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm tài chính với bạn; bạn cũng làm việc nhà, nấu ăn nhiều hơn cho chính bạn hoặc để thể hiện tình yêu cho bạn gái hay vợ mình.
Là nam hay nữ, bạn cũng sẽ cởi bỏ dần áp lực phải kết hôn và có con cái; bạn sẽ không còn chỉ mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ mà thêm vào giấc mơ của mình là có công việc tốt, lên kế hoạch đi du lịch để có nhiều trải nghiệm.
Địa chỉ: Số 22 Hoàng Diệu, P. 13, Q. 4, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 090 307 9523
Hotline: 090 370 9523
Email: info@yfuvietnam.org
Copyright © 2021 Youth For Understanding Vietnam