Việc mở tài khoản ngân hàng phụ thuộc vào thời gian bạn đã chọn để đi du học. Nếu bạn chỉ định đi xa trong vòng một hoặc hai tháng, bạn không nhất thiết phải mở tài khoản ngân hàng tại nước ngoài. Trong trường hợp này, bạn có thể rút tiền từ tài khoản ngân hàng tại Việt Nam khi rời đi và sau đó nếu cần rút thêm tiền, bạn có thể trả phí một lần khi sử dụng máy ATM. Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn đi du học từ một năm trở lên, việc mở một tài khoản ngân hàng tại nơi bạn đến du học là một ý tưởng hợp lý và thiết thực.
Những lợi ích của việc mở tài khoản ngân hàng khi đi du học
Sở hữu một tài khoản ngân hàng địa phương sẽ cho phép bạn thanh toán mọi thứ mà không phải trả phí giao dịch, phí chuyển đổi tiền tệ.
Để quản lý tài chính một cách hiệu quả, bạn có thể dễ dàng thanh toán những khoản chi phí như tiền thuê nhà và các hóa đơn. Nếu bạn đang làm việc bán thời gian trong khi du học, bạn cũng có thể nhận tiền lương của mình vào tài khoản này một cách an toàn, bảo mật và hợp pháp. Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để quản lí tất cả các khoản thanh toán của mình, đây là một cách tuyệt vời để quản lý tài chính của bạn.
Việc giữ tiền mặt tại nơi ở không phải là cách cất giữ tiền an toàn. Khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, bạn có thể nhận được trợ giúp từ ngân hàng của mình bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để có tài khoản ngân hàng khi đi du học? Làm thẻ ngân hàng như thế nào?
Tham khảo thông tin trước cuộc hẹn
Khi đã chọn được ngân hàng thích hợp và có được cuộc hẹn với đại diện ngân hàng đó, bạn nên tìm hiểu thông tin về các dạng tài khoản khác nhau. Cách tốt nhất là lên trang web hoặc ghé qua chi nhánh ngân hàng để lấy các brochure, flyer tham khảo. Lưu ý là bạn nên chọn các loại thẻ dành cho giới trẻ với nhiều ưu đãi về chi phí mở thẻ và chi phí ngân hàng để tiết kiệm. Nhân dịp này bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về tài khoản tiết kiệm (saving account) và vay mượn (loan) phòng trường hợp cần đến về sau.
Chuẩn bị đủ giấy tờ
Không phải có tiền là có thể làm thẻ ngân hàng ngay bởi quy trình này yêu cầu một số giấy tờ nhất định. Ba giấy tờ chính mà bạn cần phải có để được lập tài khoản là:
Giấy tờ tuỳ thân: hộ chiếu, thị thực sinh viên hoặc giấy phép lái xe
Bằng chứng về nhà ở: giấy xác nhận nhà ở, hoặc hoá đơn điện, nuớc thời gian gần nhất
Bằng chứng về nghề nghiệp: thẻ sinh viên hoặc thư mời nhập học đến từ trường đại học bạn đang theo học
Tại một số quốc gia bạn còn được yêu cầu nộp giấy giới thiệu và bản sao kê của ngân hàng trong nước. Những giấy tờ này cần là bản gốc để ngân hàng đối chiếu và sẽ trả lại bạn.
Đến cuộc hẹn mở thẻ với người có kinh nghiệm
Nếu không tự tin về vốn ngoại ngữ của mình lúc mới sang, bạn nên nhờ một người bạn đã du học từ trước đến cùng cuộc hẹn. Người viết bài đã chủ động nhờ cô giáo ở văn phòng quan hệ quốc tế đến cuộc hẹn mở thẻ và nhận được sự trợ giúp này. Tuy nhiên, nếu phải thực sự tự thân vận động, bạn cần tìm hiểu các từ chuyên ngành, điều khoản ngân hàng để không gặp bỡ ngỡ khi trao đổi. Việc mang theo kim từ điển/từ điển/máy điện thoại/ipad... có cài từ điển cũng là một cách hay. Quan trọng là không được ký bừa, ký sai một hợp đồng quan trọng như vậy.
Nên chọn dịch vụ ngân hàng điện tử
Ở nước ngoài, dịch vụ ngân hàng điện tử (online banking) rất phổ biến và không hề rủi ro như bạn vẫn thường được rỉ tai ở Việt Nam. Đa số ngân hàng nào cũng có hỗ trợ dịch vụ này với hai tiện ích lớn nhất là cho phép mua sắm và chuyển khoản trên mạng. Tưởng tượng khi thiết kế một chuyến du lịch ở nước ngoài, bạn sẽ làm thế nào nếu không đặt phòng hay mua vé tàu trên mạng từ trước? Ngoài ra, bạn cũng có thể quản lí tài khoản của mình trên mạng mà không phải chạy tới chạy lui những cây ATM. Vì vậy, hãy cân nhắc dịch vụ này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Địa chỉ: Số 22 Hoàng Diệu, P. 13, Q. 4, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 090 307 9523
Hotline: 090 370 9523
Email: info@yfuvietnam.org
Copyright © 2021 Youth For Understanding Vietnam