Sự hiểu lầm là gốc rễ của xung đột trong nhiều mối quan hệ. Nó có thể bao gồm từ những hiểu lầm nhỏ cho đến những hiểu lầm độc hại. Chúng gây ra căng thẳng, thất vọng, rối loạn và có lẽ nặng nề hơn là không cảm thấy được lắng nghe hoặc thấu hiểu. Vậy bạn có thể làm gì để ngăn chặn hoặc giải quyết những hiểu lầm cản trở mối quan hệ của bạn? Dưới đây là một số lời khuyên:
Luôn giữ thái độ tôn trọng đối phương
Một cuộc mâu thuẫn có khi leo thang liên tục dẫn đến giai đoạn cao trào nhưng cũng có lúc âm thầm gặm nhấm các mối quan hệ của bạn. Dù cuộc tranh cãi có đang ở mức độ nào đi chăng nữa, bạn cũng phải duy trì thái độ tôn trọng với người đối diện. Để làm được điều này, bạn cần đặt ra cho mình những “điểm giới hạn” và hãy luôn tuân thủ những quy tắc này khi có mâu thuẫn xảy ra. Một vài “ranh giới” mà bạn có thể đặt ra ngay từ đầu và thống nhất với đối phương như: không dùng ngôn từ xúc phạm, không nói tục hoặc không tác động vật lý trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Việc tôn trọng các quy tắc này sẽ hỗ trợ bạn kiểm soát cảm xúc và lời nói tốt hơn. Điều này cũng giúp cho mọi việc không bị đẩy đi quá xa và tránh biến mâu thuẫn trở thành một cuộc “hỗn chiến” vô phương cứu chữa. Hơn thế nữa, đây còn là quy tắc để thể hiện thái độ tôn trọng với người khác dù cho đôi bên có đang bất đồng quan điểm.
Học cách lắng nghe tích cực
Hầu hết chúng ta lắng nghe để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng chúng ta thực sự nên lắng nghe để thấu hiểu. Khi lắng nghe để biện hộ, chúng ta thường ngắt lời nhau và mọi chuyện càng thêm căng thẳng. Lắng nghe để hiểu cho phép ta có thêm không gian để suy ngẫm về quan điểm của đối phương.
Việc lắng nghe tích cực có thể hữu ích vì nó giúp bạn tạm đặt khúc mắc, suy nghĩ, diễn giải, đánh giá, cảm xúc và nhu cầu của bạn sang một bên. Thay vào đó, bạn tập trung vào việc cố gắng hiểu quan điểm và cảm xúc của đối phương. Có thể bạn vẫn không đồng ý với họ, nhưng cách bạn trình bày về sự không đồng ý sẽ rõ ràng hơn và đối tác của bạn cũng cảm thấy được tôn trọng hơn.
Chứng thực lại nhận thức
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Marin Rieger đã giải thích: “Những gì chúng ta nghe được từ đối tác của mình thường rất khác so với những gì họ thực sự nói. Thay vào đó, chúng ta đang lắng nghe dựa trên nỗi sợ hãi của chúng ta, không phải thực tế.”
Ví dụ: Nếu đối tác của bạn có nỗi sợ bị bỏ rơi dựa trên trải nghiệm thời thơ ấu của họ, thì khi bạn nói, “Tôi cần một chút thời gian để ở bên bạn bè hoặc ở một mình,” họ có thể nghe ra rằng bạn không thích ở bên họ – dù bạn không hề có ý như vậy.
Thế nên thay vì để điều đó xảy ra, hãy trò chuyện với đối tác của bạn, hỏi họ xem đã có chuyện gì hoặc điều gì khiến họ nói những lời đó. Đôi khi, việc diễn giải những gì bạn nghe được cho đối tác sẽ giúp họ có cơ hội làm rõ nếu bạn đang hiểu sai.
Tin vào lời giải thích của đối tác
Sau khi hỏi đối tác tại sao họ nói hoặc làm điều gì đó “Hãy tin lời đối tác của bạn khi họ cho bạn biết ý nghĩa thực sự đằng sau bất cứ điều gì họ nói hoặc làm. Rồi dừng lại tại đó.”
Bạn có thể bị thúc đẩy để không tin lời giải thích của họ. Nhưng khi bạn không tin họ, có nghĩa bạn đang nói rằng: bạn hiểu về những hoạt động đằng sau suy nghĩ, cảm xúc và động lực của họ nhiều hơn chính họ, và điều này là không thể. Bạn cần có niềm tin rằng trong mối quan hệ yêu đương, cả bạn và đối phương đều muốn nghe và nói sự thật để tạo cơ sở cho mối quan hệ lành mạnh của mình.
Hạn chế các giả định
Chúng ta dễ dàng đưa ra các giả định về cách đối tác của mình sẽ phản ứng hoặc không phản ứng với điều gì đó dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ. Ví dụ: bạn có thể quyết định không nói với đối tác về điều gì đó vì bạn “đã biết” cách họ sẽ phản hồi hoặc phản ứng. Khi làm vậy, bạn không cho đối tác cơ hội để khiến bạn bất ngờ và vượt khỏi mong đợi của bạn. Có thể họ sẽ phản ứng với nhiều sự thấu hiểu hơn bạn nghĩ đấy.
Giống với chứng thực nhận thức, bạn có thể trò chuyện với đối tác của bạn một cách tử tế và cảm thông hoặc đặt câu hỏi cho họ để tránh sự hiểu lầm.
Cố gắng không tấn công nhau
Khi chúng ta thất vọng hoặc tức giận, thật dễ để ta tấn công đối tác của mình, nhưng điều đó chỉ làm sâu sắc thêm sự hiểu lầm vì nó buộc đối tác của bạn vào thế phòng thủ mà ở đó, họ không muốn lắng nghe bạn hay thừa nhận cảm xúc của bạn nữa.
Vì vậy, thay vì nói với đối tác những mẫu câu "Bạn" với hàm ý khẳng định, hãy thử sử dụng mẫu câu “Tôi” để bày tỏ cảm xúc của bạn. Ví dụ: Nếu đối tác của bạn về muộn, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy không được coi trọng khi bạn không về nhà đúng giờ.”
Bạn cũng nên tránh sử dụng những từ như “luôn luôn” và “không bao giờ”, chẳng hạn như “Bạn không bao giờ dọn dẹp” hoặc “Bạn luôn làm tôi thất vọng”. Khi bạn nói về hành vi của đối tác một cách quá tuyệt đối, bạn đã hạn chế cơ hội để họ bày tỏ sự cải thiện và khiến cuộc trò chuyện chệch hướng khỏi sự thỏa hiệp hoặc tiến triển.
Nói lên nhu cầu của bạn
Hãy chăm chỉ sử dụng các mẹo được đề cập bên trên (chẳng hạn như mẫu câu “Tôi”), cố gắng nêu rõ nhu cầu của bạn bằng cách mô tả cảm giác của bạn trước khi nói ra điều bạn cần. Hãy chắc chắn rằng bạn đưa ra yêu cầu một cách tử tế và có sự thông cảm với đối phương. Khi các bạn thể hiện sự tự tin, đồng thời lưu tâm đến phản ứng của người kia, hai bạn sẽ có một cuộc trò chuyện hiệu quả hơn với sự trung thực và minh bạch, cởi mở.
Cho phép sự thỏa hiệp
Rốt cuộc, không có ai là hoàn hảo và không ai muốn phải thay đổi hoàn toàn con người mình chỉ để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của đối tác họ. Vì vậy, điều quan trọng trong một mối quan hệ là sự sẵn sàng thương lượng và nỗ lực tìm kiếm sự thoải mái cho cả hai bạn.
Tập trung vào chủ đề
Khi bạn cảm thấy bực dọc, cuộc trò chuyện rất dễ đi lạc đề — đặc biệt là khi bạn đang muốn phòng vệ hoặc thấy tội lỗi về điều gì đó mình đã làm. Đây có thể là một cách lèo lái câu chuyện sang hướng khác nhằm giảm thiểu trách nhiệm của bạn và bảo vệ chính bạn.
Địa chỉ: Số 22 Hoàng Diệu, P. 13, Q. 4, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 090 307 9523
Hotline: 090 370 9523
Email: info@yfuvietnam.org
Copyright © 2021 Youth For Understanding Vietnam