Chắc chắn việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách sẽ mang lại nhiều mối nguy hại, đặc biệt là cho học sinh – lứa tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

 

Nguy cơ bị lừa đảo


Mạng xã hội là nơi hoạt động của nhiều đối tượng lừa đảo. Học sinh lại là thành phần còn non nớt về kiến thức cũng như kỹ năng sống nên dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Chúng tìm hiểu và tiếp cận với các em học sinh, dò hỏi thông tin cá nhân của trẻ để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Nếu học sinh không cảnh giác thì rất dễ bị dụ dỗ, trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, bắt cóc tống tiền hay bị bán thông tin.

 

 

Ảnh hưởng tới sức khỏe


Nghiện mạng xã hội cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Nhiều em sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài gây đau mỏi mắt, đau lưng, mất ngủ. Khi dành nhiều thời gian sử dụng mạng, các hoạt động thể dục thể thao cũng ít được các em quan tâm hơn. Ngày càng có nhiều học sinh bị cận thị, nhược thị, béo phì do nguyên nhân lớn là dùng mạng xã hội, dùng máy tính, điện thoại không kiểm soát.

 

 

Ảnh hưởng tới học tập


Mạng xã hội có sức hút rất lớn đối với người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ. Mạng xã hội mang tới những thông tin mới lạ, những người bạn từ khắp mọi nơi hay sự dễ dàng trong việc kết nối với bạn bè, người thân. Vì vậy có nhiều bạn bỏ bê học tập, không làm bài về nhà chỉ vì nghiện mạng xã hội. Điều này làm tình hình học tập của các em bị sa sút, lâu dần dẫn tới mất gốc, chán học thậm chí làm nảy sinh tâm lý muốn bỏ học.

 

 

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn

 

“Có nên cho con tiếp xúc với mạng xã hội hay không” luôn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều bố mẹ cấm tuyệt đối, không cho phép con dùng điện thoại và mạng xã hội. Tuy nhiên điều này rất dễ phản tác dụng vì trẻ con thường thích khám phá và tò mò, điều bố mẹ cấm đôi khi lại là điều kích thích khiến con lén dùng mạng xã hội. Thay vì cấm cản, bố mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, có văn hóa.

 

Bảo mật thông tin cá nhân

Những thông tin như tên thật, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân hay các loại mật khẩu là những thông tin cá nhân, cần được bảo mật, không nên chia sẻ những thông tin này trên mạng. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn con bảo mật tài khoản 2 lớp để tránh bị lấy cắp tài khoản phục vụ cho những mục đích xấu.

Nếu trẻ còn nhỏ, những bài đăng trên mạng cũng nên giới hạn người xem là bạn bè, để tránh sự nhòm ngó từ người lạ.

 

 

Suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì

Mạng xã hội vẫn luôn là con dao hai lưỡi, vì vậy trước khi bình luận, chia sẻ hay đăng tải bất cứ thông tin gì con cần phải tìm hiểu và suy nghĩ kỹ. Vì những bài đăng trên mạng sẽ có nhiều người xem, có thể con sẽ bị người khác soi mói, đánh giá, bình luận tiêu cực khiến con thấy buồn hay lo sợ.

 

Bên cạnh đó, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều tin sai sự thật, tin kích động chống phá nhà nước,… được lan truyền trên mạng. Nếu không tìm hiểu kỹ thì con có thể chia sẻ, tin tưởng vào các nguồn tin sai trái, ảnh hưởng đến nhận thức, tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả.

 

Các con có thể nhờ sự giúp đỡ từ bố mẹ để xem thông tin mình định chia sẻ có đúng sự thật không, có phù hợp để chia sẻ không.

 

 

Ứng xử văn minh trên mạng

Nhiều trẻ nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, con có làm gì thì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng cũng là một xã hội thu nhỏ, tất cả những điều con làm trên mạng đều có thể ảnh hưởng đến bản thân con và mọi người.

 

Khi nhìn thấy nội dung bạo lực, con có bình luận cổ vũ không? Nhìn thấy điều con không thích, con có để lại những bình luận chê bai, chỉ trích nặng nề? Gặp một chủ đề gây tranh cãi, con có bất chấp tất cả để bảo vệ ý kiến của mình? Hay khi buồn bực, con có trút giận lên những người con thấy trên mạng xã hội không?

 

Tất cả những hành động không suy nghĩ đều có thể làm người bị chỉ trích thấy buồn và mặc cảm. Nghiêm trọng hơn, nhiều từ ngữ quá khích có thể khiến người khác tổn thương tinh thần, dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.

 

Vì vậy, hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng mạng để chửi rủa, miệt thị người khác. Nếu có điều gì buồn bực hay bất đồng quan điểm với bạn bè, người thân, con hãy chọn cách nói chuyện trực tiếp để cùng nhau đưa ra cách giải quyết phù hợp. Mạng xã hội là ảo nhưng nỗi đau là thật, đừng để một dòng chữ trong lúc không suy nghĩ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người.

 

 

Nhận biết các dạng lừa đảo qua mạng

Hiện này có rất nhiều dạng lừa đảo qua mạng. Kẻ xấu có thể tạo một tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện với con để lấy lòng tin sau đó dò hỏi những thông tin của con. Chúng có thể đóng vai một người bạn, muốn con cung cấp thông tin để gửi quà. Tuy nhiên các con luôn nhớ nguyên tắc “không chia sẻ thông tin cá nhân”, đặc biệt là chia sẻ trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của lừa đảo. Bên cạnh đó, con cũng cần cẩn thận với các trò chơi trúng thưởng, không nên nhấn vào đường link lạ để tránh bị mất tài khoản hay bị đánh cắp thông tin.

 

Nếu có người yêu cầu các con gửi ảnh cá nhân, đặc biệt là ảnh nhạy cảm, hãy từ chối ngay và nói với bố mẹ. Đây cũng là một dạng lạm dụng cần được đề phòng và tránh xa.

 

 

Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội


Bố mẹ nên thống nhất và giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho con. Con chỉ nên sử dụng khi có điều cần trao đổi với bạn bè, thầy cô. Hoặc con có thể sử dụng mạng xã hội để giải trí sau khi đã hoàn thành các việc cần thiết.

 

Với các bạn còn nhỏ, bố mẹ nên giới hạn mục đích sử dụng của con, việc dùng mạng xã hội chỉ để liên lạc, trao đổi học tập với bạn và thầy cô dưới sự giám sát của bố mẹ.

 

Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian bên con, hạn chế dùng mạng xã hội trước mặt con để đảm bảo sự thống nhất trong việc giáo dục và làm gương cho con.

 

 

Đọc thêm: 
 
============================================================
“Sứ mệnh của YFU là nâng cao sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, sự tôn trọng lẫn nhau và trách nhiệm đối với xã hội thông qua những trao đổi mang tính giáo dục dành cho thanh thiếu niên, gia đình và cộng đồng”
 
Youth For Understanding Vietnam (YFU Vietnam)
Hotline: 090 307 9523
yfu.org – yfuvietnam.org – traodoivanhoa.yfuvietnam.org

Tin tức khác

Cách cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề
Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề
Du học trao đổi văn hóa với Tổ chức YFU
Hoạt động ngoại khóa để bạn trẻ khẳng định bản thân
Hoạt động ngoại khóa giúp nâng cao kỹ năng mềm
Cần xác định mục tiêu bản thân trước khi đi du học
Vượt qua nỗi lo bất đồng ngôn ngữ khi du học
Du học sinh trao đổi văn hóa đến từ Argentina của YFU Vietnam
3 sân bay nhộn nhịp nhất nước Đức
Cần mang theo giấy tờ gì khi đi khám sức khỏe ở Đức

Địa chỉ: Số 22 Hoàng Diệu, P. 13, Q. 4, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 090 307 9523

Hotline: 090 370 9523

Email: info@yfuvietnam.org

Copyright © 2021 Youth For Understanding Vietnam